Kinh nghiệm du học: thực tập tại Mỹ của du học sinh Việt Nam
- Vietint
- 04/05/2021
- 0 Comments
Bạch Quốc Lâm, sinh viên Đại học Northeastern (Boston, Mỹ), đi thực tập toàn thời gian ở hai công ty trong một năm và tích lũy được nhiều bài học.
Bạch Quốc Lâm nhấn mạnh việc đi thực tập là “cực kỳ cần thiết” đối với bất kỳ sinh viên nào, chứ không riêng du học sinh bởi nó đem lại nhiều trải nghiệm mới không có trong trường học.
Là du học sinh theo học ngành Tài chính và Marketing, hết năm hai đại học, Lâm bắt đầu chương trình thực tập toàn thời gian một năm. Đây là phần bắt buộc trong chương trình học của Lâm và cũng là lý do em chọn học trường này.
Trường cung cấp rất nhiều tài liệu hỗ trợ việc đi thực tập, có cả website để sinh viên có thể nộp hồ sơ, do đó Lâm không khó để tìm việc. Tuy nhiên, vì tài nguyên quá đa dạng, em phải lựa chọn kỹ càng để tìm được công ty phù hợp.
Nam sinh chia sẻ chọn nơi thực tập dựa trên hai yếu tố, trong đó ưu tiên công ty có mô tả công việc phù hợp với kỹ năng đã được trang bị, sau đó tính đến danh tiếng của họ để so sánh và đưa ra lựa chọn hợp lý nhất.
Sau khi đã chọn được công ty để nộp hồ sơ, nhà tuyển dụng sẽ gọi điện hỏi han, tìm hiểu nhanh xem liệu mình có đủ khả năng không. Nếu có, họ sẽ gọi đến phỏng vấn. Theo Lâm, với những ngành như Khoa học máy tính, phần phỏng vấn có thể lên tới 5-6 vòng, kéo dài nửa ngày với nhiều chủ đề. Việc phỏng vấn qua điện thoại cũng phức tạp hơn.
Lâm học Tài chính và Marketing, việc phỏng vấn đơn giản hơn khá nhiều với một lần qua điện thoại và một lần nói chuyện trực tiếp với sếp.
Từng được nhận vào thực tập ở hai công ty nhưng Lâm vẫn cho rằng mình có chút sai lầm khi trước đây độc lập trong việc nộp hồ sơ. “Mình thường tập trung vào làm hồ sơ rồi phỏng vấn, rồi trượt thì thôi. Điều này thực sự không tốt. Mình khuyên các bạn nên nói chuyện thật nhiều với các anh chị đi trước, tạo mối quan hệ (networking) nhiều hơn để học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu xem công việc sắp tới mình làm sẽ cần những gì, đi phỏng vấn phải chuẩn bị những gì. Đôi khi, nhờ mối quan hệ, bạn có thể được nhận vào công ty nhanh hơn”, Lâm nói.
Nam sinh cũng nhấn mạnh việc nộp hồ sơ thực tập rất cạnh tranh do sinh viên nào cũng biết rõ tầm quan trọng của việc này. Vì vậy, khi chọn công ty, mỗi bạn phải thật tập trung vào bản thân và bỏ qua mọi thông tin về danh tiếng công ty thực tập của các bạn xung quanh để tránh mất tinh thần.
Trong quá trình thực tập, Lâm cho rằng mỗi sinh viên cần đặt ra mục tiêu rõ ràng, chẳng hạn tạo mối quan hệ trong công ty, học văn hóa văn phòng, trau dồi một số kỹ năng hay làm thân với cấp trên để giả sử muốn làm việc ở Mỹ thì sẽ có ai đó để dựa vào.
Với Lâm, việc làm thân với cấp trên và tạo mối quan hệ trong công ty rất cần thiết, cho dù sau này không làm việc ở đó. Để làm điều này, quan trọng nhất là phải tôn trọng họ bằng cách luôn đúng deadline (hạn chót để làm việc nào đó), làm việc bằng hết tâm huyết của mình. Bạn cần thân thiện, ngoài công việc có thể nói chuyện phiếm, chơi game, chơi thể thao cùng các anh chị trong công ty.
Cũng trong quá trình thực tập, Lâm cho rằng sinh viên phải chú ý đến việc sắp xếp thời gian học tập. Nếu thực tập toàn thời gian, bạn chỉ nên đăng ký 0-1 lớp học, còn làm bán thời gian thì có thể đăng ký nhiều hơn một chút nhưng tuyệt đối không ôm đồm một lúc hai việc vì sẽ không hiệu quả.
“Hãy tưởng tượng bạn đã làm việc mệt mỏi cả ngày mà tối đến còn phải học và làm núi bài tập. Chắc chắn, bạn sẽ không còn năng lượng và tinh thần để làm tốt công việc ngày hôm sau”, Lâm nhận định.
Lâm từng thực tập cho hai công ty, mỗi công ty 6 tháng với hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Nơi đầu tiên Lâm làm là công ty bảo hiểm, làm từ 8h sáng đến 5h chiều, rất ít tương tác với đồng nghiệp. Công ty thứ hai về công nghệ, văn phòng mở, thường xuyên họp để cập nhật công việc, giao lưu với đồng nghiệp dễ dàng, thời gian linh hoạt. Điều đó giúp Lâm so sánh được hai môi trường, biết mình thích gì và định hướng tốt hơn cho tương lai.
Tuy nhiên, với những bạn thực tập và cảm thấy phù hợp ngay ở công ty đầu tiên, việc tìm công ty thứ hai nhằm đa dạng hóa là không cần thiết. Nam sinh khuyên các bạn sống hết mình khi nhận công việc thực tập để chuẩn bị kỹ hơn khi bước vào môi trường làm việc sau khi ra trường.
Không có chương trình thực tập kéo dài và bắt buộc như Lâm, Nguyễn Thiên Trang, 23 tuổi, cựu sinh viên Đại học Lafayette, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực tập. Học ở một trường nhóm Liberal Art, không bắt phải chọn ngành từ đầu, Trang cho rằng việc thực tập sẽ giúp sinh viên khám phá được nhiều hơn, từ đó lựa chọn được ngành phù hợp.
Trang cho biết ở trường em, việc thực tập phụ thuộc vào mong muốn và khả năng của mỗi sinh viên. Để cân bằng với việc học, đa số lựa chọn thực tập dịp hè. Em đã có ba tháng hè năm thứ ba đi thực tập cho một công ty nước ngoài ở Việt Nam trong dịp về thăm nhà. Dù công ty ở Việt Nam, quá trình nộp hồ sơ của Trang diễn ra ở Mỹ với các vòng nộp hồ sơ, phỏng vấn qua điện thoại, làm bài test rồi phỏng vấn lần hai qua Skype, tương tự như công ty ở Mỹ.
Không có sẵn website dành riêng cho việc thực tập như trường của Lâm, Trang cho biết sinh viên có thể tìm kiếm công việc qua LinkedIn hay website các công ty. Em cũng khuyên các bạn nên mở rộng mối quan hệ, nói chuyện nhiều với những người đi trước để nhận được lời khuyên, gợi ý trong việc tìm kiếm công ty hay bất kỳ vấn đề gì trong cuộc sống du học.
“Thực tập sẽ đem đến rất nhiều thứ mà ở trường không dạy bởi mỗi công ty có văn hóa riêng, có những đầu việc chi tiết, dự án khác nhau. Đi thực tập là bước chuẩn bị quan trọng cho tương lai và các bạn không nên bỏ qua”, Trang nói.
Theo Vnexpress
Tác giả: Vietint
Gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn du học, là đối tác đáng tin cậy của hàng trăm trường Cao đẳng Đại học và tổ chức giáo dục hàng đầu trên thế giới, giúp đỡ hàng ngàn học sinh sinh viên Việt Nam hiện thực hóa ước mơ du học của mình.
Tin liên quan
Những điều cần lưu ý khi thuê nhà du học Mỹ
Bên cạnh chọn trường và ngành học thì lựa chọn chỗ ở khi du học Mỹ cũng là
16/03/2022 - 11:50
Lộ trình săn học bổng sau đại học
Các điều kiện cần để săn học bổng du học sau đại học Điều kiện 1: Điểm
10/05/2021 - 15:37
Đạo văn- Plagiarism – những điều du học sinh cần biết
Nhiều người cho rằng “đạo văn” là “mượn” ý tưởng hoặc câu chữ của người
03/02/2021 - 16:24
Nên du học ngành Kinh tế, Tài chính hay Quản trị Kinh doanh?
Khi nhắc đến chọn ngành du học, rất nhiều bạn muốn học ngành kinh tế khi muốn
03/02/2021 - 15:34
Logistics và quản lý chuỗi cung ứng
Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (tiếng Anh là Logistics and Supply Chain Management) là
21/01/2021 - 10:15
Bạn biết gì về Liberal Arts
Nước Mỹ có hơn 4000 trường đại học với dưới các mô hình, kích cỡ, vị trí
20/01/2021 - 10:13
University và College khác nhau thế nào?
University và College khác nhau thế nào. Đâu là sự khác biệt giữa 2 loại trường này
20/01/2021 - 09:52
Tổng quan về SAT
SAT là gì? Bài thi chuẩn hóa SAT – Scholastic Assessment Test là “thông số” quan
18/01/2021 - 10:42
Những quyền lợi mà du học sinh cần biết
Để có được một hành trình du học thuận lợi và hữu ích nhất, các bạn học
12/11/2020 - 15:47
NHỮNG ĐIỀU CẦN LÀM TRƯỚC KHI NHẬP HỌC TẠI NƯỚC NGOÀI
NHỮNG ĐIỀU CẦN LÀM TRƯỚC KHI NHẬP HỌC TẠI NƯỚC NGOÀI Con đường du học
22/01/2020 - 14:04