KINH NGHIỆM DU HỌC THỰC TẾ cho những ai muốn ở lại Vương quốc Anh làm việc sau khi tốt nghiệp.
- Vietint
- 07/11/2018
- 0 Comments
London ngày lạnh tháng rét “Em sang Anh học thạc sĩ, liệu sẽ có cơ hội ở lại làm việc sau tốt nghiệp?” Đây là câu hỏi mà các tư vấn viên nhận được rất nhiều, nhiều như kinh nghiệm đưa học sinh đi du học của Vietint vậy.
Câu này rất gần với “Tớ sắp mở quán trà sữa bên hông nhà hát lớn, liệu cơ hội giàu có cao?” Kết quả dĩ nhiên phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Câu trả lời ngắn mà mọi người có lẽ đã nghe quen tai là “Có nhưng rất khó”. Tuy nhiên, khó không đồng nghĩa với không làm được. Hôm nay nhân buổi trò chuyện với chị Phạm Hồng Dương, du học sinh Anh của Vietint, đang sinh sống và làm việc tại London, Vietint xin chia sẻ các chiến thuật xin việc tại Anh, từ đó có được visa work permit. Cùng lắng nghe chia sẻ của chị Dương nhé!Vietint: Chào chị Dương, chị có thể giới thiệu một chút về bản thân được không?
Chị Dương: Chào mọi người, mình tên là Phạm Hồng Dương, 27 tuổi, hiện đang sinh sống và làm việc tại London (UK). Mình là du học sinh ngành Innovation Management and Entrepreneurship tại Bournemouth University.
Vietint: Chị có thể giới thiệu qua về khoá học của chị cũng như tại sao chị chọn học ngành này không?
Chị Dương: Năm mình học là năm đầu tiên trường có khóa này. Theo mình cảm nhận đây là một khóa học khá thú vị cho những bạn có định hướng muốn khởi nghiệp, hoặc muốn phát triển hơn trong lĩnh vực kinh doanh.
Mình thích ngành kinh doanh và đặc biệt rất thích entrepreneurship. Sau khi tốt nghiệp trường ĐH Ngoại Thương mình đi làm gần một năm tại Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) với vai trò trợ lý dự án. CSIP là một tổ chức phi chính phủ chuyên hỗ trợ các sáng kiến xã hội. Công việc này đã giúp mình có thêm một cái nhìn mới mẻ về Doanh nghiệp xã hội (Social Enterprise) và là động lực để mình theo học ngành Entrepreneurship.
Mình có được học bổng 30%. Toàn bộ quá trình apply mình đều nhận được sự tư vấn và hỗ trợ rất nhiệt tình từ các chị ở Vietint.
Vietint: Việc đi du học giúp ích như thế nào cho chị trong công việc hiện tại?
Chị Dương: Những năm sinh sống và học tập tại Bournemouth đã cho mình những trải nghiệm vô cùng quý giá. Công việc làm thêm tại một quán ăn Việt Nam giúp mình trau dồi vốn tiếng Anh và kĩ năng giao tiếp cũng như kĩ năng quản lý thời gian. Vừa đi học vừa đi làm để trang trải mọi chi phí sinh hoạt quả thực rất khó, nhưng qua đó mình xây dựng được lối sống tự lập mà mình chắc chắn nếu ở Việt Nam mình sẽ không thể có được.
Chương trình học bao gồm hai mảng cơ bản – Management và Entrepreneurship đã cung cấp những kiến thức cần thiết để mình hiểu hơn về ngành và giúp ích khá nhiều cho công việc hiện tại (hiện công việc mình liên quan đến lĩnh vực funding (gọi vốn) cho các công ty khởi nghiệp) Việc thường xuyên viết assignments, presentations (hầu hết tất cả các môn đều yêu cầu presentations) và làm việc nhóm cùng các bạn sinh viên quốc tế giúp mình trau dồi vốn từ vựng, khả năng trình bày và làm việc theo nhóm, mà sau này khi đi làm mình cảm thấy quan trọng không kém những kiến thức sách vở mình được học.
Ngoài ra trong quá trình học mình cũng thường chủ động liên lạc với các thầy cô trong khoa khi có câu hỏi cần giải đáp liên quan đến môn học, hoặc bất kì những lĩnh vực nào khác có liên quan – ví dụ như cơ hội intern hay làm tình nguyện cho các dự án. Hiện tại mình vẫn thường xuyên liên lạc với thầy giáo dạy môn Entrepreurship trước đây, thầy là người giới thiệu vị trí intern đầu tiên cho mình tại một tổ chức phi chính phủ tại Southampton, cũng là người thường xuyên cho mình lời khuyên về công việc, cơ hội phát triển nghề nghiệp…
Vietint: Em được biết hiện tại chị đang làm việc cho một công ty ở London. Chị có thể chia sẻ một số thông tin về công việc hiện tại của chị được không?
Chị Dương: Hiện mình đang làm việc tại công ty có tên The Business Funding Show (https://www.businessfundingshow.com/). Công ty mới thành lập được khoảng 4 năm, chuyên về tổ chức sự kiện nhằm kết nối các doanh nghiệp, startups cần vốn với các nhà đầu tư và các quỹ đầu tư.
Vị trí của mình là Event Administration, chuyên phụ trách hỗ trợ tổ chức sự kiện, từ lên danh sách khách mời, tìm địa điểm, liên hệ với các nhà cung cấp đến marketing, quản lý data, và cập nhật website.
Vietint: Việc xin những công việc internships (thực tập) đã khá khó rồi, đừng nói đến những trường hợp xin được việc làm full-time như chị. Chị có thể chia sẻ đôi nét về hành trình xin visa làm việc của chị được không?
Chị Dương: Mình có làm việc với 1 agency chuyên về internship tên là Kape Internship. Công ty này làm việc theo mình đánh giá là rất có trách nhiệm, chuyên nghiệp và bài bản. Phí thì khoảng 300 – 400 bảng gì đó mình không nhớ chính xác.
Mình nghĩ những bạn có ý định xin thực tập thì ngay khi học trên trường nên chủ động tích cực liên lạc với các thầy cô trong khoa, thường xuyên nói chuyện với các thầy cô để tìm hiểu về những cơ hội trong tương lai mà các thầy cô có thể kết nối. Các thầy cô có thể biết những cơ hội rất tốt ở các công ty ở ngoài mà bạn sẽ không thể tự xin được.
Việc cạnh tranh với các bạn sinh viên quốc tế là không thể tránh khỏi, nhất là các bạn đến từ Europe vì các bạn đó không cần visa, tuy nhiên nếu mình thực sự chủ động apply ngay khi mới bắt đầu khóa học chứ không đợi đến khi gần học xong vì lúc đó rất gấp và khó tìm được công việc ưng ý, thì vẫn có cơ hội.
Vị trí intern đầu tiên ở một NGO (tổ chức phi chính phủ) mà mình đề cập ở trên là một local NGO chuyên hỗ trợ người già mắc phải chứng dementia (mất trí nhớ). Mình hỗ trợ họ nghiên cứu tài liệu, thu thập số liệu để làm dự án. Mình làm gần 2 tháng, mỗi tuần cũng chỉ làm 2 ngày. Vị trí này lúc đầu unpaid (không trả lương), sau này có paid (trả lương), tuy nhiên chỉ đủ để trang trải chi phí đi lại. Mình thực tập sau 3 tháng thì được offer vị trí chính thức.
Vietint: Chị có thể nói qua một chút về agency đã giúp chị xin được việc và tóm tắt quá trình làm việc với agency này như thế nào không?
Chị Dương: Kape Internship yêu cầu khá nhiều tài liệu để xây dựng bộ hồ sơ cho mình. Khi đăng kí với họ thì ngay lập tức họ sẽ gửi yêu cầu nộp bản mềm các giấy tờ cá nhân cần thiết (passport, visa, NI) Kèm theo đó là Application form yêu cầu mình điền cụ thể kinh nghiệm làm việc, bằng cấp… Họ cũng yêu cầu mình làm 1 video CV (khoảng 1 phút) giới thiệu ngắn gọn về bản thân.
Sau khi nhận được cả 3 thứ trên thì bên họ sẽ chỉnh sửa và làm sao để hồ sơ mình được đẹp nhất có thể, sau đó upload lên hệ thống của họ và bắt đầu giúp mình kết nối với những công ty đang tuyển. Tổng thời gian cho quá trình này là khoảng 2 tuần.
Khi mình làm hồ sơ cần nêu rõ yêu cầu với bên họ: muốn thực tập trong bao lâu, lĩnh vực yêu thích là gì, muốn có lương hay không lương, quy mô công ty to hay nhỏ.. Dựa vào yêu cầu của mình họ sẽ tìm được công ty phù hợp.
Mình đã mất khá nhiều thời gian để hoàn thành tuy nhiên khi làm xong thì thấy nó thật sự rất có ích, nhờ đó mà mình có một bộ hồ sơ hoàn chỉnh để có thể apply được nhiều nơi. Khi làm qua agency thì mình cảm thấy có được offer phỏng vấn nhanh hơn hẳn (khoảng 3-4 lời mời interview trong 1 tuần), và các công ty cũng khá chất lượng.
Để quá trình tìm kiếm nhanh hơn thì bên cạnh những công ty mà họ tìm được cho mình, mình cũng nên tự tìm kiếm dựa trên các job sites trên mạng. Nếu thấy có vị trí nào phù hợp thì gửi link qua bên agency và nhờ họ liên lạc giúp. Vì họ đã nhận tiền nên phải có trách nhiệm đến khi tìm được internship cho mình thì thôi. Mình có thể phỏng vấn bao nhiêu chỗ cũng được cho đến khi thực sự tìm được một công ty mình thích và nhận offer.
Tuy chi phí bỏ ra không rẻ, nhưng thái độ và chất lượng dịch vụ của agency mà mình làm việc cùng rất tốt và mình rất muốn khuyên các bạn nên thử qua thay vì tự mình ‘mò mẫm’. Họ có network rộng và có kinh nghiệm, sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức.
Chị Dương: Internship thì mình chỉ biết Kape, nhưng full-time thông thường thì nhiều lắm, ví dụ Reed.co.uk, CV-library, indeed…
Tuy nhiên theo kinh nghiệm của chị thì ngay cả job boards cũng nên tìm hiểu một chút là họ chuyên đăng tuyển mảng gì trước khi up hồ sơ lên. Vì dụ trước mình thích làm cho NGO thì hay lên charityjobs.co.uk. Tìm có trọng tâm thì hiệu quả hơn là rải hồ sơ khắp các nơi.
Vietint: Theo chị, những yếu tố nào đã giúp chị giành được visa làm việc tại Anh?
Chị Dương: Rất khó để xin được visa làm việc ở UK vì rất ít công ty đồng ý sponsor (bảo lãnh cho bạn). Mình nghĩ phụ thuộc vào khả năng của bạn, nếu bạn thực sự xuất sắc và chứng tỏ cho họ thấy năng lực sau quá trình thực tập thì bạn hoàn toàn có cơ hội nhận được offer làm việc chính thức và xin được visa làm việc. Những công ty lớn thì khả năng sponsor cao hơn những công ty nhỏ. May mắn cũng là một yếu tố. Trường hợp của mình là may mắn vì công ty mình làm tuy nhỏ nhưng có sponsor.
Vietint: Chị có lời khuyên gì cho các bạn sinh viên du học trong tương lai không?
Chị Dương: Mình chỉ có một vài lời khuyên thôi:
– Chủ động trong mọi tình huống: Bạn muốn thứ gì, bạn cần chủ động để có được nó. Môi trường ở nước ngoài không giống ở Việt Nam, không có chuyện ‘ăn sẵn’ hay ‘há miệng chờ sung’, mọi thứ bạn cần nỗ lực rất nhiều. Muốn có kết quả học tập tốt, cần chủ động nghiên cứu tài liệu, gặp gỡ các thầy cô trong khoa để trao đổi. Muốn có internship, ngay từ khi bắt đầu học cần tích cực tìm kiếm cơ hội, tham dự các sự kiện trong khoa, trong trường. Ở trường nào cũng có một khoa hỗ trợ sinh viên tìm việc, nên kết nối ngay với họ khi mới nhập học. Networking là cực kì, cực kì quan trọng. Nên mở rộng network, giao tiếp với các bạn quốc tế, không nên chỉ thu hẹp trong cộng đồng sinh viên Việt Nam.
– Luôn khiêm tốn và tích cực học hỏi: Có nhiều bạn sinh viên quốc tế rất giỏi, cả về kiến thức và kĩ năng (giao tiếp, tư duy, thuyết trình, làm việc nhóm) nên tiếp cận họ và trao đổi kinh nghiệm học tập.
– Du học sẽ không có ích nếu như bạn không học hỏi được các kĩ năng mềm và kinh nghiệm sống. Du học chỉ vài ba năm, không nên lãng phí mà hãy tranh thủ trau dồi vốn tiếng Anh, vốn sống và hiểu biết về văn hóa, xã hội,…
Vietint: Cảm ơn chị Dương về những thông tin rất quý báu vừa rồi. Em tin rằng những chia sẻ của chị sẽ làm hành trang du học bổ ích cho các bạn sinh viên. Chúc chị thành công trong công việc và hạnh phúc trong cuộc sống.
Để tìm hiểu thêm về du học, những câu chuyện thành công, bài học từ cuộc sống ở nước ngoài từ các cựu du học sinh, các bạn hãy đón đọc những bài viết tiếp theo của Vietint nhé.
Tác giả: Vietint
Gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn du học, là đối tác đáng tin cậy của hàng trăm trường Cao đẳng Đại học và tổ chức giáo dục hàng đầu trên thế giới, giúp đỡ hàng ngàn học sinh sinh viên Việt Nam hiện thực hóa ước mơ du học của mình.
Tin liên quan
CÁC LOẠI HÌNH NHÀ Ở DÀNH CHO DU HỌC SINH TẠI ANH
Vấn đề nhà ở là một trong những vấn đề đau đầu khi du học Anh, thu hút nhiều
11/03/2023 - 10:38
Kinh nghiệm du học UK: đi tàu điện ngầm
Ga tàu điện ngầm ở Anh luôn trong tình trạng đông đúc, đặc biệt là vào khung giờ
07/03/2023 - 09:47
Vượt qua áp lực thi cử khi du học Anh
Đạt được Visa du học Anh chỉ là bước đầu trong hành trình chinh phục tri thức
15/03/2022 - 16:49
Thạc sĩ Việt tại Anh ‘bật mí’ cách chuẩn bị hồ sơ du học ấn tượng
Để xin học bổng tại trường đại học hàng đầu nước Anh các bạn nên chuẩn
03/11/2021 - 14:53
Cập nhật UK Graduate Route
Graduate route là lộ trình làm việc mới dành cho những người đã có bằng cấp từ
04/07/2021 - 12:06
Lộ trình săn học bổng sau đại học
Các điều kiện cần để săn học bổng du học sau đại học Điều kiện 1: Điểm
10/05/2021 - 15:37
DU HỌC NGÀNH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
Giới thiệu ngành công nghệ thông tin Công nghệ thông tin (IT – Information Technology)
05/04/2021 - 15:01
Đạo văn- Plagiarism – những điều du học sinh cần biết
Nhiều người cho rằng “đạo văn” là “mượn” ý tưởng hoặc câu chữ của người
03/02/2021 - 16:24
Nên du học ngành Kinh tế, Tài chính hay Quản trị Kinh doanh?
Khi nhắc đến chọn ngành du học, rất nhiều bạn muốn học ngành kinh tế khi muốn
03/02/2021 - 15:34
Logistics và quản lý chuỗi cung ứng
Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (tiếng Anh là Logistics and Supply Chain Management) là
21/01/2021 - 10:15