Đừng để cơ hội biến thành thảm hoạ
- Vietint
- 04/10/2018
- 0 Comments
“Phần lớn du học sinh mới chỉ tập trung quan tâm tìm hiểu thông tin và chuẩn bị hành trang đi du học chứ chưa lường trước được những vấn đề khi trở về”, chia sẻ của bà Nguyễn Thu Trang – người sáng lập Vietint, một trong những đơn vị tư vấn giáo dục hàng đầu hiện nay.
Đối với một số bạn học sinh sinh viên có dự định muốn đi du học, có lẽ điều làm các bạn lo lắng nhất là thủ tục chứng minh tài chính phức tạp, nỗi lo sợ phỏng vấn khi xin visa,… mà nhiều bạn coi nhẹ khâu chọn trường chọn ngành, xác định mong muốn bản thân, và lộ trình du học.
Là một cựu du học sinh, và hiện tại cũng đang làm việc trong lĩnh vực này, tôi đã chứng kiến biết bao trường hợp du học ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó nhiều bạn thành công và thoả mãn với lựa chọn của mình, ngược lại cũng có nhiều bạn con đường hậu du học chưa được như ý. Vậy, thành công ở đâu, thất bại vì nguyên do nào, xin được đưa ra một số ví dụ tôi từng gặp và quan điểm cá nhân về việc chọn trường chọn ngành, định hướng du học. Bài viết tuy dài nhưng mong rằng sẽ một phần nào đó là động lực thúc đẩy các bạn trẻ, hướng các bạn đi theo con đường đúng đắn và phù hợp nhất qua những kinh nghiệm mà tôi tích luỹ.
Mục lục
1, Chọn trường nhắm vào ranking cao mà không tìm hiểu xem mình có thực sự thích và cần hay không?
Chắc hẳn những tín đồ của điện ảnh đã một lần xem bộ phim nổi tiếng của Bollywood: “3 chàng ngốc”. Bộ phim mang đến những triết lý sống và những suy nghĩ táo bạo trong việc thay đổi tư duy giáo dục Ấn Độ thời bấy giờ. Một trong những câu nói nổi tiếng trong bộ phim của anh chàng Farhan, Farhan đam mê nhiếp ảnh nhưng đã học ngành cơ khí theo nguyện vọng của gia đình: “Nếu con trở thành một nhiếp ảnh, con sẽ kiếm được ít tiền hơn đúng không? Nhà của con sẽ nhỏ hơn, xe hơi cũng nhỏ hơn. Nhưng bố ơi, con sẽ hạnh phúc. Con sẽ thực sự hạnh phúc. Bất kể con làm điều gì, con cũng sẽ làm theo trái tim mình.”
Tôi có quen một anh bạn, là gia sư dạy Hoá của chồng tôi hồi cấp 3.Từ nhỏ, anh đã thể hiện là một cậu học sinh xuất chúng, anh học rất nhiều các lớp chuyên từ Tự nhiên đến Xã hội, từ Toán Tin đến Văn học, lớp nào cũng giỏi xuất sắc. Lên cấp 3 anh đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi Quốc tế, và giành được bổng toàn phần của Havard ngành Kinh tế.
Anh nói thật sự cái gì mình cũng giỏi, bản thân anh cũng không biết nên học gì, sau này nghề nghiệp sẽ ra sao, chỉ biết rằng anh rất thích môn Hoá. Mang trong mình suy nghĩ học Hoá thì khó ứng dụng, nhất là ở thị trường Việt Nam, và cũng chưa đủ quyết tâm để khước từ học bổng đầy cám dỗ 100% của Havard, anh lên đường sang Mỹ hăm hở nghĩ rằng đây chính là turning point (cột mốc chuyển mình) của cuộc đời, với tương lai rộng mở tại ngôi trường mà bất kỳ ai cũng mơ ước. 4 năm học Kinh tế ở Havard, anh học được nhiều điều, cả kiến thức lẫn tư duy thực tế, ra làm việc ở phố Wall, kiếm được rất nhiều tiền ở thị trường chứng khoán và ngoại hối.
Chán cuộc sống bên Mỹ, anh quay về Singapore làm việc cho một tập đoàn đa quốc gia, được công nhận là công dân danh dự của Singapore, mua nhà sắm xe ở nơi đắt đỏ, tấc đất quý hơn tấc vàng ấy. Số tiền trong tài khoản của anh khi ấy cho đến bây giờ tôi tin rằng, nếu kể ra sẽ có rất nhiều người trầm trồ. Được vài năm, khi trong tay có tất cả, anh nói tiền lúc ấy trở nên vô nghĩa, anh không cảm thấy hạnh phúc với nghề nghiệp của mình. Quay trở về với niềm đam mê Hoá học, anh trở về Việt Nam, tiếp tục với công việc dạy học, với vốn kiến thức sâu rộng về môn Hoá, và cái tâm cùng sự đam mê của người thầy, biết bao lứa học sinh qua tay anh đào tạo đã mang về những giải cao trong kỳ thi Olympic Hoá Quốc tế, làm rạng danh non sông Việt nam.
Một trường hợp khác là 2 anh em nhà nọ, học cùng tôi ở bên Úc. Người anh rất giỏi và chăm chỉ, học University of Melbourne – Top 10 trên thế giới. Người em học tại La Trobe University. 2 anh em cùng học Tài chính kế toán, chương trình học 3 năm giống nhau. Người anh do học trường top đầu, nên toàn bộ thời gian dành cho việc học, chưa bao giờ đi làm thêm dù là những công việc nhỏ nhất và cũng ít khi dành thời gian ra ngoài đi chơi, giao lưu gặp gỡ bạn bè.
Người em ngược lại, do chương trình học không quá nặng, và cũng không chịu nhiều áp lực từ việc học trường ranking cao, nên có thể phân bổ thời gian vừa học vừa đi làm. Sang năm thứ 2, bố mẹ đã không còn phải gửi chi phí sinh hoạt nữa. Trong thời gian đó người em làm những công việc part-time nhỏ nhất như hầu bàn, bán hàng tại siêu thị,… cho đến năm 3, do năng động cũng như thành tích học tập khá tốt, người em trúng tuyển vào vị trí trợ lý cho một giáo sư dạy môn Kế hoạch tài chính ở trường. Công việc không phải là trợ giảng, mà chính là trợ lý cho những công việc kinh doanh dòng tiền của thầy. Từ đây, những kiến thức học được trên ghế nhà trường không còn nằm trên giấy tờ đơn thuần nữa, những con số tài chính đã xuất hiện một cách chân thực và sống động hơn, người em cũng học được nhiều hơn từ người thầy của mình và thu nhập cũng cao hơn khi kiếm thêm được từ chứng khoán, đủ để mua cho mình một chiếc xe ô tô cũ đi học đi làm.
Sau 3 năm, 2 anh em cùng apply vào một tổ chức lớn có tên tuổi trong lĩnh vực tài chính ở Melbourne. Tổ chức này chuyên nhận sinh viên từ những trường Đại học hàng đầu như Melbourne Uni, Monash,…, vậy cơ hội nào cho sinh viên La Trobe đây? Người anh với tố chất thông minh sẵn có, cộng thêm đức tính chăm chỉ quyết tâm tốt nghiệp loại giỏi, không có gì đáng ngạc nhiên khi được nhận vào tổ chức này. Nhưng bất ngờ hơn cả là người em cũng nhận được kết quả tương tự, với CV đầy những kinh nghiệm làm việc và những kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, sắp xếp thời gian mà người em tích luỹ được trong quá trình đi làm thêm, cộng với thư giới thiệu từ công việc trợ lý cho Thầy ở trường Đại học, tấm bằng La Trobe đã không còn là điều lăn tăn trong mắt nhà tuyển dụng.
Trong thời gian đi làm, người em vì có xe ô tô, quen với việc di chuyển, sắp xếp thời gian hợp lý, cộng với việc gặp gỡ nhiều người từ việc đi làm thêm, người em hoà đồng với mọi người trong công ty nhanh chóng hơn, tiết kiệm được thời gian đi lại do có ô tô nên dành thời gian cho công việc nhiều hơn, và những kiến thức thực tế khi làm trợ lý cho thầy cũng giúp công việc của bạn đạt hiệu quả cao hơn. Người anh với chuyên môn cao, am hiểu sâu rộng về kiến thức tài chính học thuật, nhưng do ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài nên việc hoà đồng cũng khó khăn hơn, thêm việc di chuyển bằng phương tiện công cộng cũng khiến một ngày trở nên dài và mệt mỏi, hiệu quả công việc chưa được cao như kỳ vọng.
2, Chọn ngành học theo khả năng và cơ hội việc làm, nhưng lại trái với đam mê của bản thân.
Một trường hợp khác nữa,là anh T, người Đà Nẵng, theo học Khoa Kỹ sư Tài năng của Đại học Bách khoa Đà Nẵng, một trong những Khoa lấy điểm chuẩn cao nhất Việt Nam, là thành viên đội tuyển Robo con của thành phố, năm ấy team Bách Khoa Đà Nẵng đạt thứ hạng rất cao và lọt vào vòng đi thi châu Á Thái Bình Dương.
Khoá học của anh kéo dài 7 năm, đang học dở năm thứ 6 anh chợt nhận thấy môi trường học ở Việt Nam không phù hợp với nhu cầu của mình, anh xin ba mẹ sang Úc du học với ngành nghề tương đương. Sang Úc học hết năm đầu, lúc này anh T mới thật sự hiểu rằng, không phải môi trường đào tạo trong nước không phù hợp với anh, mà bởi vì anh thật sự không phù hợp với ngành nghề đó. Với nền tảng kinh tế từ gia đình, không muốn lãng phí thêm thời gian cho ngành học trái với đam mê, anh T lập tức chuyển sang học Business. Câu chuyện doanh nhân trẻ thành đạt bén duyên với kinh doanh bắt đầu từ đây, sang năm thứ 3 của Đại học, anh kết hợp với một người bạn bản xứ mở nhà hàng, kinh doanh món ăn Việt mang phong cách fusion. Sau 3 năm hoạt động, nhà hàng nhỏ nhắn nằm trong góc khuất của một khu công nghiệp giờ đã phát triển, trở thành chuỗi nhà hàng mang phong cách rất riêng và độc đáo, từ những chiếc bàn chiếc ghế đều do đôi bàn tay khéo léo chế tạo robocon của anh T tự đóng.
Chị họ của tôi,học chuyên Pháp từ năm cấp 2, hết cấp cấp 3 sang Pháp học kiểm toán. Chị không quá thông minh nhưng lại viết văn rất hay, nên khó có thể làm việc với những con số. Vậy mà chị lại chọn học kiểm toán, chắc hẳn vì 1 lí do mà ai cũng hiểu. Kiểm toán là một trong những ngành muôn đời đều “hot”, ở đâu có doanh nghiệp, ở đó cần kiểm toán, càng là doanh nghiệp lớn, càng cần kiểm toán có tay nghề cao, chị tôi học kiểm toán với suy nghĩ sau ra sẽ đắt như tôm tươi, không phải suy nghĩ nhiều về đầu ra cho công việc. Chị tôi chăm chỉ hơn bất cứ ai, nhận khối lượng công việc nhiều hơn bất kỳ người nào. 4 năm Đại học đèn sách, rồi 2 năm Thạc sỹ, chuyển qua 2 3 lần những trường Đại học top đầu, vật lộn thừa sống thiếu chết với những cuộc thi để giữ vững mức học bổng. Trong cuộc đời mình, nếu có thể tìm ra một tấm gương về sự chăm chỉ cần cù, “lì lợm” với những con số, chắc chắn tôi sẽ nhớ ngay đến chị. Nói vậy để mọi người hiểu, chị tôi đã phải bỏ ra công sức và ý chí phấn đấu mãnh liệt đến nhường nào, sống chết với ngành nghề “khoai chuối” và “hot hit” này.
Hard work dĩ nhiên được paid off, đầu tư ắt có ngày hái quả, ra trường chị được nhận làm việc tại 1 trong 4 công ty Kiểm toán hàng đầu trên thế giới (Big4) Deloitte Pháp. Sau 2 năm đi làm, chị được promote lên làm senior auditor (Kiểm toán viên cao cấp), được giao phụ trách những dự án lớn, cấp dưới có đến trên 10 người. Lúc này, chị bắt đầu cảm thấy chán nản với công việc, chị nghĩ rằng có lẽ do môi trường làm việc quá áp lực, chị xin nghỉ, chuyển sang một công ty khác nhỏ hơn, với hy vọng công việc sẽ nhàn hơn để dành thời gian cho bản thân. Với tay nghề và CV hoành tráng từ Deloitte, chị dễ dàng nhận được công việc mới. Ở môi trường mới này, công việc bớt áp lực hơn, mức thu nhập lại cao hơn, chị nói với tôi rằng: “bọn Deloitte này đúng là bóc lột”. Hí hửng với công việc mới, chị có thời gian làm đẹp, đi bar cuối tuần, có tiền đi du lịch vòng quanh thế giới, chị mua trả góp được căn nhà ở ngay Trung tâm Paris đắt đỏ. Thế nhưng làm được 2 năm, chị lại kêu chán, lúc này, chị mới thực sự nhận ra rằng, chị không thích làm Kiểm toán. Chị chưa bao giờ đam mê công việc này, và đi làm chưa bao giờ mang lại cho chị hạnh phúc. Chị quay trở về với nỗi khao khát âm ỉ từ bấy lâu, đó là có cái gì đó của riêng mình. Nói là làm, chị quyết định chuyển dần sang kinh doanh ẩm thực Việt Nam. Ban đầu là cuốn nem, làm bánh giò, bánh cuốn gửi ở những nhà hàng Việt và Nhật Bản để khảo sát thị trường, xem dân Pháp họ có cùng khẩu vị với mình hay không. Làm được một thời gian, trải qua một số bài học, dần dần việc kinh doanh cũng không đến nỗi tệ, chị quyết định mở một quán ăn nhỏ chuyên bán street food Việt Nam, và đóng dần chapter của cuộc đời mang tên “Kiểm toán”.
3, Lựa chọn sai định hướng
Vừa rồi tôi có cơ hội được tiếp xúc với một bạn sinh viên. Background khá tốt, sang Mỹ học Đại học 4 năm, Thạc sỹ 2 năm, sau đó ở lại Mỹ 3 năm làm việc. Với background này, bạn hoàn toàn có thể về Việt Nam xin được công việc có mức thu nhập khá tốt. Vì chính sách định cư của Mỹ khá chặt và dựa vào may mắn, bạn không có cơ hội định cư ở lại, cánh cửa Mỹ đóng sập trước mắt chàng trai trẻ năng động nhiệt huyết. Về Việt Nam với tâm trạng chán trường, cộng thêm cú shock văn hoá sau 9 năm ở Mỹ, bạn đến gặp tôi với tâm trạng không thể tồi tệ hơn. Bạn tâm sự rằng: “Ngày xưa em sang Mỹ là sai lầm ngay từ đầu, hồi ấy có nghĩ gì đến định cư đâu, cứ nghĩ học xong là về, kiếm việc làm, lấy vợ đẻ con như bạn bè, ai ngờ đi Mỹ thích quá, muốn định cư mà lại không có cơ hội.”, giọng nghẹn ngào chán nản xen lẫn bực tức, bạn nói tiếp: “Do ngay từ đầu em và gia đình không có định hướng rõ ràng, không xác định được mục tiêu du học cũng như tìm hiểu xem mình muốn gì, dẫn đến ngay từ khâu chọn quốc gia du học đã sai rồi!”. Đúng vậy, nếu có mong muốn đi học xong rồi định cư ở lại thì nên tìm hiểu chính sách visa và định cư của nước sở tại ngay từ đầu, tránh trường hợp về cũng dở mà ở lại cũng chẳng xong. Không từ bỏ ước muốn định cư nước ngoài, bạn quyết định làm hồ sơ đi học Thạc sỹ tại Canada, do chính sách nhập cư mở, bạn chấp nhận lãng phí 9 năm ở Mỹ, qua Canada học Thạc sỹ từ đầu với mong muốn định cư lâu dài.
Lại có người bạn khác của tôi, đi Úc học 3 năm, sau đó học tiếp lên Thạc sỹ 1 năm rưỡi. Chính sách visa của Úc hiện nay là bạn hoàn thành khoá học tối thiểu 2 năm sẽ được visa ở lại làm việc từ 2 – 4 năm tuỳ ngành và bậc học. Bạn tôi cũng trong diện được hưởng visa đó và được ở lại 2 năm đi làm. Tuy nhiên do không tìm hiểu ngay từ đầu, lúc học xong mới biết là mình được ở lại, bạn tôi vội vàng thi IELTS mà không có thời gian chuẩn bị gì, cũng may mấy năm đèn sách cũng đủ để bạn đạt IELTS 6.5 dễ dàng. Đối với những bạn có định hướng rõ ngay từ đầu, trong 2 năm này các bạn sẽ hoàn thành các bước để thêm điểm nộp định cư lấy quốc tịch, hoặc không cố gắng xin một công việc intern để lấy kinh nghiệm khi về nước làm việc. Nhưng bạn tôi do thời sinh viên đi làm những công việc part-time khá nhiều, số tiền kiếm được từ việc làm thêm cũng không nhỏ, nay được ở lại 2 năm mừng quá, ham đi làm chứ chẳng ham gì khác. Giờ bạn tôi về Việt Nam, lấy chồng đẻ con, có cuộc sống gia đình hạnh phúc.
4, Kết cục của những trường hợp trên?
Những trường hợp tôi kể ra trên đây có lẽ sẽ chẳng có nghĩa lý gì khi mà không đề cập đến kết cục của những người bạn này.
Chuyên gia phân tích tài chính, triệu phú trên thị trường ngoại hối ngày nào giờ đã là thầy giáo dạy Hoá. Hôm trước đi cafe với anh, anh hỏi: “2 vợ chồng mới về lương trăm triệu 1 tháng không em?”. Tôi cười bảo trăm triệu là lương anh chứ lương em thì đáng bao nhiêu, anh cười nhẹ, nói rằng: “Anh bây giờ lương chỉ đủ ăn đủ mặc, nhưng sống rất vui vẻ, ngần ấy năm làm kinh tế mệt mỏi quá, bây giờ thanh thản, chỉ ước có thể quay lại ngày ấy để được làm giáo viên, khỏi phải Havard Ha-viếc gì cho mệt.”
Công việc kinh doanh nhà hàng của anh chàng kỹ sư chế tạo Robo con cũng khá ổn, bây giờ anh muốn xin quốc tịch, khổ nỗi mất nhiều thời gian cho ngành kỹ sư quá, 6 năm ở Việt nam và 1 năm ở Úc khiến anh mất toi 7 năm trời. Mà ở Úc độ tuổi được cộng nhiều điểm nhất cho việc định cư là từ 25-32. Năm nay anh 33 tuổi, business thật sự chưa đủ lớn để tự sponsor cho bản thân, đi làm nhiều năm khiến anh không đủ tự tin thi IELTS học thuật 7 8 chấm. Không còn đường nào nâng cao điểm số, chàng kỹ sư nọ đứng trước nguy cơ phải về Việt Nam. Anh bây giờ buồn lắm, nói cái nghề Kỹ sư hại chết cuộc đời anh.
Ngần ấy năm làm Kiểm toán viên cao cấp cũng không giúp ích gì trong công việc kinh doanh của chị họ tôi. Sự thiếu sót về trình độ căn bản quản lý doanh nghiệp, tính toán đồng vốn, hệ thống phân phối, các nhà cung cấp, khâu vận chuyển,… khiến việc kinh doanh ban đầu của chị tôi lỗ nặng. Chị thích đồ ăn authentic (chuẩn vị), nấm hương mộc nhĩ hay từng chiếc bánh đa nem cũng phải nhập từ Việt Nam sang, ban đầu làm ăn nhỏ lẻ, lấy công làm lãi, lại ký gửi tại các nhà hàng nên cũng có thể coi là kiếm được chút tiền, sau làm ăn lớn hơn, mất tiền thuê mặt bằng, đầu tư bàn ghế bếp núc, tuyển nhân lực, chi phí điện nước, chi phí khấu hao, marketing, chi phí vận hành,… khiến bài toán không còn đơn giản như mua mớ rau lạng thịt. Cứ tưởng cuộc sống sẽ đỡ vất hơn, rời xa những con số và áp lực, ai ngờ giờ đây chị còn đau đầu hơn gấp bội vì đó là đồng tiền sương máu mình bỏ ra, chi tiêu 1 đồng cũng phải nghĩ. Chị nói: “Ước gì ngày xưa học luôn mấy ngành về Kinh tế kinh doanh, có phải bây giờ đỡ hơn nhiều, ít ra mình có kiến thức căn bản, giờ già rồi, đi học khó tiếp thu lắm”.
Lại nói đến chàng trai trẻ với ước mơ định cư. 9 năm ở Mỹ, sôi động nhiệt tình, party thâu đêm, phóng khoáng quen rồi, giờ sang Canada môi trường khá trầm, lại muốn định cư nên chấp nhận đi tỉnh bang heo hút, ở vùng nhiều người lớn tuổi, việc làm thêm khó kiếm, lại chưa có bạn, chàng trai tôi gặp ngày nào tuy có buồn nhưng còn nhiệt huyết và năng động lắm, bây giờ trở nên trầm cảm, bảo rằng: “Cuộc sống bây giờ với em chẳng còn nghĩa lý gì, bạn bè đứa nào cũng sự nghiệp ổn, không thì cũng lấy vợ sinh con, em bây giờ vẫn còn đang học, mà lại học cái ngành giống như ở Mỹ, chả biết học xong có ở lại được không, tương lai mông lung chẳng biết thế nào.”
Bạn tôi ở Úc về, những đứa bằng tuổi khác do có kinh nghiệm làm việc nên toàn làm cho những brand lớn, không thì cũng start-up business của riêng mình, một số khác vạch sẵn kế hoạch định cư ngay từ đầu, bây giờ đã ung dung là thường trú dân của Úc. Bạn tôi tuy rằng bằng cấp nước ngoài, nhưng có 2 năm gap year đi làm thêm những công việc bình thường, kiến thức nguội, kinh nghiệm không có, về đi làm với mức lương chẳng đủ đóng tiền học cho con. Cuộc sống không tự lập được về kinh tế, vợ chồng cũng vì thế mà sinh cãi cọ, cứ ngồi cãi nhau biết thế hồi ấy nghĩ dài hơn chút, có phải bây giờ đỡ khổ.
Ngược lại, có trường hợp này theo tôi rất thành công. Hồi ở Úc tôi quen bạn này, với đam mê làm việc trong agency marketing từ hồi cấp 3, bạn tôi thích công việc này lắm. Ở cái độ tuổi mà người ta follow facebook của mấy em hotgirl bikini khoe body nóng bỏng, hay thiếu gia nhà giàu khoe tiền sang chảnh, thì bạn tôi follow facebook của những anh chị trong giới agency, ngày ngày đọc những mẩu chuyện nhỏ hài hước mà không kém phần gian nan, bạn tôi nuôi ước mơ trở thành agency boy suốt bao năm trời. Đi học ở một ngôi trường ranking không thuộc hàng khủng, nhưng vì theo đuổi đam mê, bạn không ngần ngại ngày đêm nghiên cứu thêm những kiến thức bên ngoài, chăm chỉ đi làm những công việc intern unpaid (thực tập không lương) để lấy kinh nghiệm. Học xong 3 năm bạn về nước, con đường agency boy của bạn cũng không hẳn là trải đầy hoa hồng. Bạn tôi mới về cũng khó xin việc, nhờ mối quan hệ của gia đình mà xin vào làm cho một tờ báo giấy có tiếng lâu năm ở Hà Nội. Tâm trạng khi ấy cũng chưa thoả mãn với công việc, bạn nhảy sang làm marketing cho một brand thời trang nổi tiếng, công việc lúc này cũng đã gần gũi hơn với ước mơ của bạn. Làm được một thời gian, bạn quyết định chuyển sang làm cho một agency marketing nhỏ, tại đây, bạn tôi được gặp những người bạn trong giới agency, được làm công việc mình yêu thích, được thoả sức cống hiến và sáng tạo. Tuy nhiên, agency quy mô khá nhỏ, bạn tôi muốn thử sức mình trong một môi trường lớn và chuyên nghiệp hơn, khốc liệt hơn. Và với CV dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực marketing, cộng với việc thể hiện mình tốt trong những vòng phỏng vấn, bạn tôi hiện giờ đang làm cho một agency nổi tiếng thế giới, có trụ sở đặt tại Việt Nam, chuyên chạy cho những khách hàng lớn như British University, RMIT,… Xem những tấm ảnh vi vu Paris của bạn tại Staff Annual Party trên facebook mà tôi mừng cho thành công của chàng trai trẻ mang trong mình đam mê và ý chí kiên định mãnh liệt theo đuổi đam mê của mình.
Chung quy lại, ngoài việc tập trung tìm hiểu những thông tin và chuẩn bị hành trang đi du học, tôi khuyên các bạn trẻ nên có lịch trình và định hướng rõ ràng cho việc đi du học. Để bắt đầu xây dựng kế hoạch cho tương lai, các bạn nên bắt đầu từ bản thân mình trước, hãy khai thác những thế mạnh, điểm yếu của bản thân, tự đặt câu hỏi xem bản thân mình muốn gì, định hướng tương lai ra sao, có thể tìm cho mình một mentor (người hướng dẫn) giúp các bạn vượt qua giai đoạn quyết định này của cuộc đời.
Các bạn à, hãy làm CEO của cuộc đời mình, hãy tự quyết định mọi việc, bởi suy cho cùng, thành công hay thất bại chính bạn sẽ phải tự đón nhận. Giáo dục là khởi nguồn của mọi việc trên đời này, đầu tư cho giáo dục cũng chính là bạn đang đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng sự nghiệp tương lai. Bất kể business nào cũng phải đặt ra những kế hoạch để từng bước thực hiện. Một kế hoạch có khả thi hay không phụ thuộc rất nhiều vào khâu phân tích, đánh giá, chọn lựa, định hướng. Nếu ngay từ đầu bạn chọn sai con đường, hoặc không lên một kế hoạch cụ thể, chắc chắn bạn sẽ phải mất rất nhiều thời gian chỉnh lại, và đôi khi cơ hội sẽ khép lại đối với những ai không may mắn.
Chính vì vậy, ngay bây giờ, khi có cơ hội, hãy chuẩn bị thật tốt, tìm hiểu thật kỹ, đừng để cơ hội biến thành thảm hoạ nhé.
Tác giả: Vietint
Gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn du học, là đối tác đáng tin cậy của hàng trăm trường Cao đẳng Đại học và tổ chức giáo dục hàng đầu trên thế giới, giúp đỡ hàng ngàn học sinh sinh viên Việt Nam hiện thực hóa ước mơ du học của mình.
Tin liên quan
Bí quyết giành học bổng từ đại học số 1 thế giới
CÙNG NGHE BẠN Trần Mỹ Ngọc – SINH VIÊN VIETINT chia sẻ kinh nghiệm giành học bổng
08/04/2024 - 13:55
Phỏng vấn visa Úc và những điều bạn cần biết
Không phải hồ sơ du học Úc nào cũng bị phỏng vấn, bạn có thể nhận visa Úc mà
27/06/2022 - 15:29
5 bước để trở thành kiến trúc sư ở Australia
Học sinh Việt Nam có thể theo lộ trình năm bước nếu muốn trở thành kiến
08/11/2021 - 11:43
Lộ trình săn học bổng sau đại học
Các điều kiện cần để săn học bổng du học sau đại học Điều kiện 1: Điểm
10/05/2021 - 15:37
Đạo văn- Plagiarism – những điều du học sinh cần biết
Nhiều người cho rằng “đạo văn” là “mượn” ý tưởng hoặc câu chữ của người
03/02/2021 - 16:24
Nên du học ngành Kinh tế, Tài chính hay Quản trị Kinh doanh?
Khi nhắc đến chọn ngành du học, rất nhiều bạn muốn học ngành kinh tế khi muốn
03/02/2021 - 15:34
Logistics và quản lý chuỗi cung ứng
Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (tiếng Anh là Logistics and Supply Chain Management) là
21/01/2021 - 10:15
KHÓA DIPLOMA – CAO ĐẲNG TRƯỚC KHI VÀO ĐẠI HỌC ÚC
Diploma (cao đẳng) là một khóa học chuyển tiếp vào đại học tại Úc được thiết
05/01/2021 - 14:19
Những quyền lợi mà du học sinh cần biết
Để có được một hành trình du học thuận lợi và hữu ích nhất, các bạn học
12/11/2020 - 15:47
NHỮNG ĐIỀU CẦN LÀM TRƯỚC KHI NHẬP HỌC TẠI NƯỚC NGOÀI
NHỮNG ĐIỀU CẦN LÀM TRƯỚC KHI NHẬP HỌC TẠI NƯỚC NGOÀI Con đường du học
22/01/2020 - 14:04